Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà – không đặt giới hạn cho mình

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà – không đặt giới hạn cho mình

Hà không chỉ là một nhà văn, còn là một doanh nhân, một người đã và đang dấn bước vào con đường đào tạo - giáo dục. Các đầu sách của Hà nhiều tới… chóng mặt nếu ngồi đếm. Và các mặt hàng kinh doanh của Hà cũng liên tục… ra lò.

Tôi ấn tượng sâu đậm và mạnh mẽ với Nguyễn Thị Việt Hà, một nhà văn luôn tươi mới, năng động, “chiếm lĩnh” cảm giác về vùng đất Cà Mau trong giới cầm bút như một đại diện thú vị, tiêu biểu.

Hà không chỉ là một nhà văn, còn là một doanh nhân, một người đã và đang dấn bước vào con đường đào tạo - giáo dục. Các đầu sách của Hà nhiều tới… chóng mặt nếu ngồi đếm. Và các mặt hàng kinh doanh của Hà cũng liên tục… ra lò. Nhưng Hà cũng luôn có thời gian cho bạn bè, những người thân yêu. Sống hết mình với bằng ấy vai trò, ngoài cần nhiều hơn 24 giờ một ngày, có một bí mật sẽ được nói tới trong bài phỏng vấn này!

nha-van-nguyen-thi-viet-ha-khong-dat-gioi-han-cho-minh-6.jpg

Chị quan niệm viết văn như là việc thở vậy. Nhưng quãng thở giữa các đầu sách của chị là dày đặc, vậy “thở” được duy trì liên tục như thế nào?

19 đầu sách trong 10 năm viết lách kể ra thì cũng dày, chỉ khi bạn hỏi thế này tôi mới ngồi đếm đấy, tôi cứ viết thôi, liên tục, miệt mài. Tôi luôn khao khát sống trọn vẹn cuộc đời mình thật sâu thật rộng, bằng nhiều chiều khác nhau, hôm qua tôi viết về một thân phận bị vùi lấp bỏ quên đâu đó ở mảnh đất tôi đang sống, hôm nay tôi viết về những người trẻ hăm hở và dũng cảm với cuộc sống nhiều thử thách và bất trắc, ngày mai tôi lại kể chuyện cho trẻ con nghe… Tôi không đặt ra giới hạn cho mình, tôi muốn đặt chân vào mọi lãnh địa theo sức của mình. Tôi viết, như một cách để thở, để cảm nhận mình đang được sống và để lại dấu vết của mình trong cuộc đời này. Đó là cách tôi “di chuyển” và “duy trì” hơi thở văn chương. Tôi thấy 24h một ngày luôn không đủ với mình.

Có nhiều người thư giãn và kiếm tìm những điều mới làm vốn sống cho mình trong quá trình kết thúc mỗi một chặng viết hay một tác phẩm nào đó, còn chị, tôi thấy chị dường như viết liên tục cộng với làm việc liên tục?

Tôi có một cái xưởng nhỏ 9 nhân công (tính cả tôi), vài công việc truyền thông cho một số công ty và các dự án dài hơi cho cộng đồng. Bạn sẽ hỏi với ngần ấy công việc thì tôi viết thế nào? Mỗi người có một cách thư giãn và tìm vốn sống cho riêng mình, tôi cũng thế thôi. Tôi đi nhiều, làm việc nhiều, đó là cách tôi tích lũy vốn sống. Mỗi một quãng nghỉ sau khi tác phẩm hoàn thành, ra mắt và được đón nhận, tôi cùng Minh (con trai của tôi) tách khỏi không gian mình đang sống một cách cố định, đi tìm không gian thuộc về riêng mình, một nơi nào đó xa lạ, vắng vẻ, không dùng đến các phương tiện internet, chỉ dùng một cái điện thoại nghe, gọi, nhắn tin, cùng một máy ảnh, chúng tôi làm tất cả những gì mình thích, không quan tâm đến thứ không thuộc về mình, ngắt tạm thời nhịp chuyển động của đám đông, làm tất cả những thứ mà thường ngày chúng tôi không làm kể cả điều ấy hơi ngớ ngẩn một chút… Tôi tạo khoảng trống cho những điều mới mẻ ùa vào, dung nạp những điều lạ lẫm từ những người mình chưa gặp bao giờ… Và rồi lại trở về trong công việc. Thực ra, người ngoài nhìn vô tưởng công việc “quấn xiết” lấy tôi nhưng kỳ thực, tôi làm việc trong tâm thế thoải mái lắm, tôi sắp xếp chúng ổn, hợp lý, không có công việc tôi thấy buồn chán tẻ nhạt lắm. Bạn thử hình dung thế này, trong một phân xưởng sản xuất xuyên đêm vì lượng hàng hóa ngày càng tăng, tôi ngồi trong một góc thuận tiện quan sát mọi người, với cái máy tính trước mặt tôi viết về chính những người đang ở trước mặt tôi, số phận của họ, sự bi đát lẫn lạc quan của họ, cách họ đi qua những sóng gió lẫn khoảng trống vô biên từng có… Văn chương khi đó chẳng phải ắp đầy hơi thở cuộc sống đấy hay sao?

nha-van-nguyen-thi-viet-ha-khong-dat-gioi-han-cho-minh-5.jpg

Người ta nói rằng sống để viết. Còn tôi thấy ở chị hai việc này song hành cùng nhau. Việc viết của chị diễn ra không ngừng, chị tái tạo và phục hồi năng lượng ấy như thế nào?

Đôi khi tôi cũng những niềm tuyệt vọng, sự cô đơn cùng cực, sức lực tinh thần và thể chất suy yếu, bất lực trước những khó khăn bản thân và không thích nghi với đám đông. Tôi không làm gì cả, tôi để ngày trôi qua, tôi cho mình rệu rã và rồi tôi dùng sức lực trong nội tâm nhấc mình ra khỏi không gian mệt mỏi ấy, đi đâu đó, một mình hoặc với Minh, thường thì tôi sẽ đến một nơi đặc biệt nào đó, khổ hơn mình chẳng hạn. Có lần tôi vướng vào bế tắc, tôi tưởng chừng mình không còn chút sức lực nào nữa, tôi đã đến trại nuôi dưỡng người bệnh Tâm Thần ở U Minh xin ở lại ít ngày, nhưng chỉ cần tôi ở đó trọn một ngày thôi, tôi trở về, không phải là tôi không chịu được, mà tôi nhận ra mình đang bị mắc kẹt vào quãng không gian uổng phí mà lẽ ra tôi cần nhanh chóng thoát ra…

nha-van-nguyen-thi-viet-ha-khong-dat-gioi-han-cho-minh-1.jpg

Cách chị dùng 24h trong một ngày ra sao? Và trong quãng ấy, dành cho việc viết lách, sáng tạo là bao nhiêu phần trăm?

Thời gian của tôi biến động không ngừng. Nhưng nói gom chung lại thì có một công thức thôi: Chăm sóc bản thân (25%) và gia đình (25%); dạy riêng Minh (luôn luôn và mỗi ngày 30%); viết và kinh doanh trong mọi quãng hở di động của các đầu mục trên và phần còn lại….

Cuộc sống - đặc biệt là cuộc sống của một nhà văn, chắc chắn sẽ có nhiều thứ khiến họ trải qua: sự cám dỗ, những xúc cảm, số phận con người, những bất trắc… như là sự thử thách để nhà văn tiến tới sứ mệnh thư ký thời đại của mình. Và chị giống như là một ví dụ điển hình của những điều ấy. Có khi nào chị mệt mỏi và chị vượt thoát mệt mỏi bằng “chiêu thức” gì?

Chao ôi, tôi vừa trải qua trận kinh thiên động địa của người viết mà không phải ai cũng trải qua, liên quan đến việc tranh chấp bản quyền. Cảm dỗ, xúc cảm, số phận người, những bất trắc… đâu chỉ là thử thách của riêng nhà văn, bất kỳ ai cũng sẽ gặp phải, chỉ là với nhà văn nhạy cảm hơn, bởi trách nhiệm “thư ký thời đại”, nếu góc nhìn sai lệch sẽ phản ánh sai lệnh, rồi tạo ra sản phẩm “rác văn hóa” mà chính người viết không nhận ra ngay được. “Rác văn hóa”, đối với người viết mà nói đó là “tội lỗi” kinh khủng nhất, ám ảnh nhất. Người viết nào cũng khao khát chữ của mình có nghĩa, được đón nhận, mang đến giá trị nào đó, cần thiết cho ai đó… Đôi khi tôi nói viết cho chính mình thôi là để nâng đỡ sự tổn thương nào đó trong tâm hồn mình, nhà văn phải có độc giả, tác phẩm viết ra phải được đọc, sự sáng tạo phải có giá trị…

Theo tôi, sự nặng nhọc vất vả không đồng nghĩa với giá trị của công việc. Người tài năng là phải làm được những công việc lớn một cách nhẹ nhàng. Nhà văn đích thực giống như một cơ thể khỏe mạnh, vắt cạn kiệt cho con giọt sữa cuối cùng, nhưng ngày hôm sau bầu sữa lại đầy thôi. Tôi vừa viết vừa sống bình thường. Tất nhiên là có thời gian đóng cửa để viết và cũng phải có thời gian mở cửa để sống. Đó là sự trao đổi chất, tuần hoàn một cách điều hòa. Vốn sống của nhà văn luôn biến ảo. Chỉ một sự việc, nó có thể xuất hiện nhiều lần trong nhiều câu chuyện, mỗi lần mang một sắc thái khác, góc cạnh khác. Chứ nếu vốn sống của nhà văn chỉ được sử dụng một lần là hết thì nhà văn sẽ cạn kiệt rất nhanh.

nha-van-nguyen-thi-viet-ha-khong-dat-gioi-han-cho-minh-4.jpg

Chúng tôi đang tạo dựng ấn phẩm số này với chủ đề “Tinh thần chiến binh”, với một nhà văn có cần thiết bốn chữ này không? Nó cần nhất vào tình thế nào?

Điều cốt yếu của tinh thần chiến binh là: “Chỉ có một con đường duy nhất là chiến thắng”, tinh thần dũng cảm không lùi bước cần có tất cả chúng ta, lẽ dĩ nhiên không thể loại trừ nhà văn. Nó cần nhất trong việc sáng tạo nên tác phẩm vì con người, vì phẩm giá con người. Cụ thể hơn là việc đi sâu vào những ung nhọt của thời đại, đấu tranh những cái xấu, làm sạch xã hội.

Tinh thần ấy tương tự như tuyên ngôn của nhà báo Phuxich: Viết như thể ngày mai không còn sống nữa! Tức là dồn hết tâm huyết cho từng trang viết. Không dồn hết tâm huyết không thể có tác phẩm hay. Nhưng điều này khác hẳn với việc đánh vật với từng con chữ. Dồn hết tâm huyết mà vẫn cảm thấy nhẹ nhàng, như người dạo chơi, như người ngắm hoa, mới là phong cách của những tài năng.

Văn chị viết, đọc mềm mại, giản dị và ăm ắp chữ tình. Nhất là trong cuốn sách “Trái tim người cha”. Nhân vật của chị, dạy cho chị những gì?

Tôi có nhiều tác phẩm mà tác phẩm ưng ý nhất lại đang nằm ở phía trước tôi chưa thực hiện được. Nhưng nhân vật khiến tôi nhiều xúc động và khiến tôi thay đổi rất nhiều về tư duy dạy con chính là cuốn sách bạn vừa nhắc: “Trái tim người cha”! Tôi gặp hai cha con bé Hoàng Yến vào năm 2015, thời điểm đó con trai tôi cũng mắc hội chứng tương tự: Hội chứng rối loạn phát triển phổ tự kỷ, tuyệt vọng đến cùng cực, đến không còn muốn sống nữa và cảm giác hối hận đè nặng tâm can. Anh Bình (cha Hoàng Yến), tôi xem là người ơn, vì đã cho tôi được thấy tình yêu thương vô điều kiện, bản lĩnh phi thường, và cả tinh thần “chiến binh” đưa con gái nhỏ trở lại cuộc sống bình thường, chính điều ấy đã khiến tôi tỉnh táo và nhập cuộc cùng con. Cuốn sách ấy tôi viết như một sự tri ân và cũng muốn cho những người như tôi khi đọc “Trái tim người cha” tìm được con đường hy vọng.

Mỗi một nhân vật của tôi đều cho tôi sống cuộc đời khác, một cách xâm nhập vào những thế giới mới mẻ, tôi chắt lọc được rất nhiều thứ cho cuộc đời của tôi. Nhưng nhân vật văn học là sáng tạo độc đáo của nhà văn. Chính vì thế, nhân vật văn học sẽ không bao giờ là con người thật ở ngoài đời, kể cả đó là những “nguyên mẫu”. Xét cho đến cùng, khi nhà văn xây dựng lên nhân vật văn học giống như một cỗ xe nhằm để chuyển tải những tư tưởng, ý tưởng của nhà văn đến với người đọc, tiếng nói của nhân vật cũng chính là tiếng nói của nhà văn với thời cuộc…

nha-van-nguyen-thi-viet-ha-khong-dat-gioi-han-cho-minh.jpg

Chúng ta hãy nói một chút về năng lượng của trẻ nhỏ. Nhất là những ngày cả nước đang căng lên vì COVID như thế này. Trẻ con ở nhà, người lớn ở nhà. Trẻ con và người lớn, cần tạo cho nhau một tinh thần như thế nào để có những điểm đến thú vị nhất?

Người lớn chúng ta thường quên cách chúng ta lớn lên như thế nào cho nên hay áp đặt trẻ con bằng tư duy của người trưởng thành. Covid làm cho chúng ta (tất cả mọi thứ) như bị bó hẹp vào một không gian chật chội mà chúng ta mất một quãng thời gian mới thích nghi. Cái trật tự cha mẹ làm việc của cha mẹ, con đi nhà trẻ hoặc đi học do bảo mẫu, người trông trẻ, thầy cô coi sóc… bị đảo lộn. Cả hai đều có những “cú sốc” nho nhỏ, người lớn chủ động tìm cách để hòa hợp vào thế giới của trẻ trong tâm thế sống lại tuổi thơ chứ không thể đòi hỏi trẻ phải “vươn lớn” bằng tâm thế của cha mẹ được. Quãng thời gian có vẻ “trống rỗng” trong cái ngột ngạt của nay giãn cách, mai phong tỏa xung quanh truy vết hãy xem như một cơ hội để cùng trẻ chơi, dạy trẻ một điều gì đó: học chăm sóc bản thân, chăm sóc người thân, học nội trợ, tham gia một trò chơi… Trăm ngàn điều hấp dẫn hơn cái điện thoại trên tay chúng ta nhiều.

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà, sinh ra tại Cái Nước - Cà Mau. Chị Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngữ Văn Hà Nội. Hiện sống và làm việc tại Cà Mau.

Chị đã đoạt nhiều giải thưởng văn học và báo chí trong cả nước. Tác giả của những cuốn sách thu hút dư luận và bạn đọc như: Trái tim người cha, Trò chuyện với cõi vô hình, Lột xác, Ở giữa Cà Mau mà lại nhớ Cà Mau, Những điều bé bỏng, Đánh thức ban mai, Khi chúng ta già, Bình minh mùa thu…

Quan điểm cuộc sống của chị: Nếu một cánh cửa này khép lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra.

Xem nhiều

NHỮNG ĐẠI DIỆN XUẤT SẮC CỦA NỀN ÂM NHẠC VIỆT NAM 2023

NHỮNG ĐẠI DIỆN XUẤT SẮC CỦA NỀN ÂM NHẠC VIỆT NAM 2023

Năm 2023 chứng kiến sự "hồi sinh" đặc biệt của đời sống âm nhạc Việt Nam. Một thế giới âm nhạc đa dạng và phong phú đã mở ra, tạo nên không gian vô cùng sôi động cho người hâm mộ. Trong bức tranh hiện đại ấy, âm nhạc Việt đã thể hiện sự chuyển động mạnh mẽ, khẳng định vị thế của mình là một trong những lĩnh vực văn hoá nghệ thuật năng động nhất.

Xem chi tiết

Tin Liên Quan

Hot Tiktoker Baby Kopo Home - May mắn có được người chồng thấu hiểu

Hot Tiktoker Baby Kopo Home - May mắn có được người chồng thấu hiểu

Chỉ trong 2 năm trở lại đây, những video chia sẻ về các công thức nấu ăn, cách nuôi dạy con nhỏ khoa học, cách chăm sóc gia đình của bà mẹ 9X Phạm Thu Hường với nickname Baby Kopo Home được cộng đồng mạng đón nhận nhiệt tình.

Xem chi tiết
Đẹp từ trong bếp đẹp ra thương trường

Đẹp từ trong bếp đẹp ra thương trường

Xa rồi quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” và tư tưởng “trọng nam khinh nữ” trong xã hội Việt Nam. Phụ nữ của thế kỷ này đã khác, tài hoa trong bếp và mạnh mẽ trong thương trường. Nếu thiếu đi đàn ông, họ càng có… động lực quán xuyến cùng lúc nhiều việc.

Xem chi tiết
Khoảng cách vô hình trong những gia đình hiện đại

Khoảng cách vô hình trong những gia đình hiện đại

Kết nối và sẻ chia, đó chính là một quy tắc ứng xử mới được đặt ra trong mỗi gia đình hiện đại. Khi mỗi năm gần đây tồn tại một khoảng cách vô hình đang tồn tại trong những gia đình thành thị, nơi chứng kiến một sự khác biệt lớn giữa các thế hệ

Xem chi tiết